Kinh tế thành phố 8 tháng có những chuyển biến khá tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,77% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa… tăng 40,8% so cùng kỳ.

Z3665576509037 26743fce127a753b9876e793ccb54480 20220826101452

Cục trưởng Cục Thống kê Cần Thơ Lê Ngọc Bảy. Ảnh: Cục Thống kê Cần Thơ

Trong tổng thể cơ cấu đầu tư, đầu tư công luôn được xác định có vai trò dẫn dắt, tạo đột phá thu hút nguồn lực vốn của khu vực tư nhân trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị, phát triển khu vực nông thôn với hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao; đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế của Cần Thơ, cũng như hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 sẽ tạo động lực cho thành phố Cần Thơ ra sao, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê Cần Thơ xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin ông cho biết bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2022 của thành phố Cần Thơ?

Cục trưởng Lê Ngọc Bảy: Kinh tế thành phố Cần Thơ 8 tháng năm 2022 có những chuyển biến khá tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 23,77% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch tăng 40,8% so cùng kỳ.

Các hoạt động bán lẻ, dịch vụ khác sôi động như: dịch vụ vui chơi, giải trí; hoạt động khách sạn, nhà hàng và du lịch lữ hành …. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, sản lượng lương thực, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản ổn định đáp ứng được nhu cầu về an ninh lương thực, nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu.

Ngoài lý do cùng kỳ năm trước do dịch bệnh, thành phố thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ nên các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. Năm nay các hoat động kinh tế đã trở lại bình thường nên có các chỉ số so sánh tăng cao. Đồng thời, là thành quả của công tác quản lý, điều hành quyết liệt, hiệu quả của chính quyền địa phương cũng như nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số vấn đề hạn chế như: giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: nhiên liệu, vật tư xây dựng, thức ăn chăn nuôi, thủy sản … tăng cao; chỉ số giá nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 10,09%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 8,02%; cước vận tải tăng 7,86%; giá sản xuất nông nghiệp tăng 4,27%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,8 % đã gây không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 22/8/2022 chỉ ở mức khiêm tốn với tỷ lệ đạt 30,1 % kế hoạch, thấp hơn bình quân chung của cả nước, điều này chưa hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của Thành phố.

Image 50412545 20220601174148

Các dự án đầu tư công là những công trình hạ tầng mang tính dẫn dắt, thu hút, huy động hiệu quả và sử dụng tốt nhất các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Ảnh minh hoạ: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Vậy, hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư công đóng vai trò ra sao và thành phố có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?

Cục trưởng Lê Ngọc Bảy: Theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định mục tiêu: ưu tiên dành vốn đầu tư công phát triển hạ tầng mang tính động lực, lan tỏa, đáp ứng yêu cầu của mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển thành phố theo Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; giai đoạn đầu của Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển thành phố 10 năm 2021-2030.

Cùng với đó, thành phố đầu tư đồng bộ các công trình trọng điểm, có tính liên kết, kết nối vùng phù hợp với Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch cả nước. Trọng tâm là các công trình kết nối về giao thông, thủy lợi, ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu, đầu tư các khu tái định cư phục vụ cho việc triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách. Cùng đó, mở rộng và phát triển đô thị, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu… phát huy vị trí, vai trò trung tâm vùng, đô thị hạt nhân của thành phố đối với vùng.

Theo đó, các dự án đầu tư công là những công trình hạ tầng mang tính dẫn dắt, thu hút, huy động hiệu quả và sử dụng tốt nhất các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, UBND thành phố gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến khâu thực hiện dự án; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm có số vốn lớn.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, phân công cụ thể từng thành viên lãnh đạo đơn vị, từng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, từng chuyên viên phụ trách trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân dự án/công trình của đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, có văn bản cam kết tỷ lệ giải ngân năm 2022 và xây dựng kế hoạch hành động, lộ trình giải ngân hàng tháng, quý; xem xét kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư trong trường hợp không đạt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu và tỷ lệ chung của cả nước.

UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, trên cơ sở kết quả thực hiện giải ngân của các chủ đầu tư, quản lý dự án trong năm 2022 do Kho bạc cung cấp (có tỷ lệ giải ngân dưới 95%), đánh giá, đề xuất mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu năm 2022 (lưu ý, không xem xét, khen thưởng tổ chức, cá nhân phụ trách có tỷ lệ giải ngân dưới 95% của đơn vị mình)…

135210 Nganh Hang Ca Tra O Dong Bang Song Cuu Long Hoi Sinh Sau Dai Dich Covid 19

Mô hình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ở An Giang đang từng bước khẳng định tính ưu việt, hướng đến phát triển ngành hàng cá tra bền vững. Ảnh: Công Mạo-TTXVN.

Phóng viên: Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc thực hiện quyết định này sẽ tạo động lực cho thành phố Cần Thơ phát triển như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Lê Ngọc Bảy: Ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để tổ chức thực hiện.

Nội dung quy hoạch vùng với những định hướng chiến lược, những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đồng bộ của các ngành, các lĩnh vực, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương trong vùng. Từ đó, tác động đến sự phát triển của thành phố Cần Thơ; trong đó, bao gồm các nội dung quan trọng cho thành phố Cần Thơ như: thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng; cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo đó, phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Đồng thời, hình thành và phát triển hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An; tăng cường liên kết phát triển kinh tế – xã hội giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Tp. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ.

Cùng với đó, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Với những định hướng trọng tâm trên, việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch sẽ tạo điều kiện quan trọng cho việc phát triển thành phố Cần Thơ phát triển, xứng đáng là đô thị trung tâm của vùng. Từ đó, góp phần quan trọng trong sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.

Phóng viên: Thành phố có giải pháp gì để triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả quy hoạch này?

Cục trưởng Lê Ngọc Bảy: Hiện nay, Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình thông qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) theo đúng quy trình và quy định hiện hành.

Để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương trên tinh thần “Chủ động, khẩn trương và chặt chẽ” tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ và hoàn thành những nội dung quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý. Điều này góp phần hỗ trợ các đơn vị được giao nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch sớm và chất lượng đối với sản phẩm quy hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt; chủ động trong việc nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế.

UBND thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch. Từ đó, có cơ sở điều phối các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai phương án phát triển ngành dưới sự hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương có liên quan.

Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng và trình cơ quan chức năng những cơ chế, chính sách phù hợp với chiến lược phát triển đã lựa chọn của thành phố, phù hợp với từng giai đoạn, tập trung vào việc tạo cơ chế, chính sách phù hợp để đưa ra các giải pháp huy động nguồn lực trong và ngoài nước…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo bnews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0916.59.2229
//Chuyển hướng url khi submit contact form 7